Lênh đênh Đầm Chuồn: 2 ngày 1 đêm làm ngư phủ
5:01 AM
Đối với những người dân Huế và những người đam mê du lịch khám phá, Đầm Chuồn không còn là cái tên xa lạ. Nơi đây hội tụ cảnh đẹp, sản vật ngon, người dân thân thiện, chất phác cùng những dịch vụ vừa mới lạ lại vừa gần gũi. Cùng trải nghiệm cuộc sống sông nước với Đầm chuồn xứ Huế…
Ngày 1:
Có hai sự lựa chọn cho chuyến khám phá Đầm Chuồn.
Một là, nếu bạn là người có thể thức dậy sớm sau một tuần dài làm việc, hãy bắt đầu hành trình từ lúc 05h30. Đây là một trong những thời điểm đẹp nhất với việc mọi người được ra tận đầm mua những mớ cá kình – loại cá ngon và có tác dụng an thần rồi nhờ người dân chế biến tại chỗ, đổ bánh khoái cá kình nóng hổi vừa thổi vừa ăn, lại được ngắm cảnh bình minh của vùng sông nước mênh mông đầm phá. Không có gì tuyệt vời hơn cảnh tượng ấy. Đặc biệt, trừ đi khoản tiền (rất rẻ) từ việc mua cá của ngư dân, người ta chỉ tính công đổ bánh khoái với giá 1.000 đồng/bánh mà thôi, mọi người tha hồ dùng điểm tâm sáng no nê, vui vẻ.
Bánh khoái cá kình vừa chờ vừa ăn (Ảnh: Ngọc Bích)
Hai là, mọi người cũng có thể bắt đầu chuyến du lịch trễ hơn vào tầm 08h30 – 09h, dành thời gian cho việc ngủ nướng mà suốt tuần chưa có dịp. Giờ này đi về Đầm Chuồn, ghé qua ngôi chợ quê bên cạnh, cũng có khá nhiều món ngon dân dã để thử như bánh tét làng Chuồn, bèo – nậm – lọc, bánh canh, bún bò Huế với giá rất mềm. Thưởng thức các món ăn quê cảnh, đượm tình ngay giữa chợ, cảm giác cũng hết sức thoải mái, rất hấp dẫn.
09h30 - 10h30: Khám phá làng Chuồn
Làng Chuồn (An Truyền) có nhiều nét đẹp.
Đình làng An Truyền (Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ)
Đó là nét cổ kính của ngôi đình làng, cũng là một di tích lịch sử, là nơi thường niên tổ chức lễ xuân tế và thu tế, được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1994. Từ ngôi đình nhìn ra hướng Đông là cánh đồng lúa, là hồ sen thơm và cả một vùng Đầm Chuồn gió lộng, hữu tình và xung quanh là những ngôi nhà dân nho nhỏ, những dòng kênh chảy dài và những lũy tre xanh tạo nên một bức tranh mộc mạc, thanh bình cho mảnh đất An Truyền lắm sản vật.
Đó là “Rượu làng Chuồn chưa uống đã say”. Về đến làng Chuồn là nghe đến danh rượu, loại rượu không phải là hảo hạng nhưng được chưng cất nên từ những hạt gạo thơm tho nhất từ cánh đồng phía trước, qua những đôi tay khéo léo, đảm đang của những người phụ nữ nơi đây để tạo nên hương vị riêng có của làng Chuồn, một thức quà quê mà dậy hương thành đặc sản. Say là say cái vị, cái tình bỏ vào trong men rượu kia.
Bánh tét làng Chuồn được gói quanh năm, nhưng đặc biệt nhất là những ngày giáp Tết (Ảnh: Phan Thành)
Làng Chuồn còn có bánh tét, có tranh trướng – liễn giấy vào mỗi độ Tết đến, xuân về, cả một làng quê như được khoác lên màu áo mới và cũng từ đó tỏa hương.
Về đến làng Chuồn, mọi người cũng nên mua một ít rượu làng Chuồn mang ra đầm để thưởng thức. Ở đây có bán cả loại rượu đã đóng nhãn mác, có cả loại do người dân có kinh nghiệm nấu và chỉ bán quanh vùng nên không đóng nhãn nhưng tuyệt ngon và giá cả cũng khá rẻ, khoảng 50.000 đồng/1 lít.
10h30 – 16h00: Vui chơi, nghỉ ngơi trên Đầm Chuồn
Hiện nay, trên Đầm Chuồn có rất nhiều “nhà hàng nổi” dân dã với nhiều thiết kế độc đáo bằng tre như Đầm Chuồn Hội Quán, Đầm Chuồn Việt Quán, Đầm Chuồn Hương Quán… rất dễ dàng cho du khách lựa chọn tùy theo thị hiếu của mỗi người. Từ bờ, mọi người sẽ được ngồi trên thuyền máy đi ra đầm, len lỏi qua các khu vực người dân khoanh vùng để đánh bắt, giăng lưới, cắm cờ làm địa giới khai thác, du khách cũng có cảm giác như đi vào ma trận sông nước vậy.
"Ma trận" nhà chồ và nò sáo trên đầm Chuồn (Ảnh: Ngọc Bích)
Hệ thống thực đơn tại Đầm Chuồn hết sức phong phú từ các loại tôm, cua, mực, cá…với các món ngon như cháo cá mú, bánh khoái cá kình, tôm rang sả, tôm xóc tỏi, mì xào hải sản…
Đặc biệt, thời gian gần đây, tại Đầm Chuồn Hội Quán có thêm các dịch vụ mới như cho thuê phao bơi để tắm trên Đầm Chuồn, tổ chức không gian riêng an toàn cho trẻ em (đối với các gia đình mang theo con nhỏ) cũng hết sức thuận tiện và thoải mái. Trước khi đến với Đầm chuồn Hội Quán, mọi người có thể gọi điện thoại cho chủ quán là anh Nguyễn Tiến Dũng để đặt trước chỗ và hướng dẫn đường đi qua số điện thoại: 0986 408 403.
Tại Đầm Chuồn không có… điện, tuy nhiên đã có gió trời lồng lộng, và càng mát dần lúc về chiều, cho mọi người cảm giác an nhiên, lánh xa mọi xô bồ, ồn ã, tiện nghi của cuộc sống hiện đại.
16h30 – 18h30: Theo chân người dân Đầm Chuồn đi đặt nò sáo, cào lươn
Để phục vụ cho du khách những món ăn tươi ngon của vùng đầm phá vào ngày hôm sau, từ chiều tối hôm trước, những người dân nơi đây đã phải đi đặt nò sáo, bủa lưới trên đầm. Về đầm, cái thú nhất là sắm vai một ngư dân thực thụ đi bắt cá, cào lươn.
Không khó nhưng cũng không hề dễ dàng để làm được những công việc này, tuy nhiên đây sẽ là những trải nghiệm thú vị đối với tất cả mọi người, từ đó để trân trọng hơn các sản phẩm lao động.
Một điểm thú vị ở đây nữa là, đối với những người không giỏi bơi lội vẫn có thể yên tâm đi lại trên đầm, vì nước ở đây rất cạn, chỗ sâu nhất cũng chỉ 1,5m mà thôi nên khá an toàn.
Từ 19h: Thưởng thức bữa tối, vui chơi và nghỉ ngơi
Sau một ngày thưởng thức và khám phá Đầm Chuồn, mọi người có thể đàn hát thâu đêm hoặc nghỉ ngơi, đi ngủ.
Đêm trên Đầm Chuồn tĩnh lặng, chỉ có tiếng nước lùa theo gió mơn man. Nằm trên chòi, hưởng chút gió trời lồng lộng, chút mát rượi với “tấm giường” nan tre dưới lưng mà đếm sao trên trời, giấc ngủ kéo đến lúc nào không biết…
Ngày 2:
05h – 07h: Đi thu hoạch cá, cào lươn cùng ngư dân
Đặt nò sáo, đặt lưới để xem chỗ nào lắm cua, nhiều cá đã khó, khi thu hoạch cũng mất nhiều thời gian và sức lực không kém. Gỡ cá sao cho khéo để không làm rách lưới, nò sáo cột sao cho đủ độ chắc để cá không bị tuột mà lúc mở ra cũng không bị “búi”, hay làm sao để cầm chắc được con lươn trơn và còn sống như vậy… Tất cả là những bài học nhỏ đầy thú vị cho mỗi người tham gia.
Thu nò sáo là một công việc thường ngày của người dân vùng đầm phá (Ảnh: Trần Thanh Tuyền)
07h-10h: Thưởng thức thành quả lao động
Mỗi người dân kinh doanh tại Đầm Chuồn đều có những ngôi nhà chòi riêng, sau khi thu hoạch cá, tôm, cua, ghẹ… lên, người dân sẽ nấu nước sôi thả vào và chế biến theo yêu cầu của khách. Trung bình 1kg ghẹ/100 nghìn; 1,5 kg tôm đất/100 nghìn, cá dìa, cá kình, cá hanh... mỗi kg 180 nghìn..., lại có cả gà thả vườn với giá cả cũng hết sức phải chăng, ngon không thể tả.
Bức tranh thiên nhiên tuyệt vời ở Đầm Chuồn để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng du khách (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)
Trước khi kết thúc chuyến hành trình đầm phá, mọi người có thể thong thả học cách làm bánh khoái cá kình, nghe người dân nơi đây kể chuyện về đầm phá… và nhớ mua về một ít sản vật quê hương nơi đây, xem như là món quà kỷ niệm đáng nhớ.
Hoàn tất chuyến hành trình.