Phá Tam Giang - Nhịp sống nơi cuối nguồn sông Hương

6:05 AM

Thiên nhiên đã ưu ái tặng cho cố đô Huế một bức tranh sơn thủy hữu tình. Và Phá Tam Giang như một nét chấm phá với một gam màu khác biệt đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho bức tranh ấy. Từ xưa phá Tam Giang đã nỗi tiếng với câu ca dao:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Tai sao phải sợ phá Tam Giang

Tương truyền rằng, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất hiểm trở, vốn là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm. Còn Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế, vì vậy nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá.

Tuy là đầm nhưng  lại hay có “sóng thần”, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc nên thuyền bè dễ gặp nạn. Những ngọn sóng dữ nguy hiểm ở đầm phá Tam Giang là trở ngại cho những ai muốn qua vùng đất này.
Rồi nhờ công của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng mà sóng dữ đã yên, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Băng cướp cũng bị triệt phá.

Từ đó, nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, câu hát xưa được chắp thêm hai câu: “Phá Tam Giang ngày nay đã lặng/Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên”.
Giờ đây, Phá Tam Giang không còn là nỗi sợ như câu ca xưa, vẻ đẹp tiềm ẩn hàng trăm năm qua của đầm phá Tam Giang đã được đánh thức, trở thành điểm đến cho những ai muốn tận hưởng sự thanh bình của miền sông nước hoang sơ.
Phá Tam Giang Huế

Nhịp sống nơi cuối nguồn sông Hương

Nằm sát bên quốc lộ 1A, chỉ cách mặt đường vài bước chân, một vùng đầm phá hoang sơ, rộng lớn hiện ra trước mắt, sóng nước yên bình, tươi mát.

Ngay trên mép cỏ nằm sát bờ, du khách có thể chứng kiến một phần nhịp sống sinh hoạt của người dân với hoạt động đánh bắt cá, tôm, cua… vốn là đặc sản của vùng đầm phá này.
Phá Tam Giang mùa này không có sóng to, mặt nước hiền hòa, phẳng lặng với những làn sóng gợn lăn tăn, sóng sánh ánh bạc trong cái nắng rực rạng rỡ của mùa hè.

Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, nên hình ảnh mà ta bắt gặp trên con đầm rộng lớn và trải dài tít tắp là những chiếc thuyền nằm thảnh thơi theo những dãy cọc đáy đánh bắt tôm cá giăng như những hàng rào trên mặt nước, một bức tranh thanh bình yên ả của làng quê.

Đến với Phá Tam Giang, ta nên đi vào mùa khô (khoảng tháng Hai đến tháng Bảy), đây là thời gian ít mưa bão, không có lũ. Vào mùa không có sóng, phá hiền hòa, thơ mộng với cảnh non xanh, nước biếc, mây trời lãng đãng.

Du khách có thể xuôi dòng nước trên con thuyền nhỏ, để thả hồn mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ.

Phá Tam Giang quá đỗi hiền hòa, thơ mộng trữ tình, không mang sự dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển với những con sóng dữ đầy hiểm nguy.