Những làng nghề bên phá Tam Giang

2:02 AM

Phá Tam Giang, nơi hội tụ của sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu trước khi đổ ra biển Đông theo hai cửa Thuận An và Tư Hiền từ lâu vốn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa. Không những thế, trên những vùng đất trù phú hai bên phá, các làng nghề truyền thống đã góp phần làm cho văn hóa đất Cố đô thêm phần đặc sắc.


Bắt đầu từ Thuận An, nơi con sông Hương hòa mình vào biển rộng, chúng tôi làm một cuộc viễn du xuôi theo dòng Hương, ngược về ngã ba Sình để viếng thăm những làng nghề nằm ven sông Hương, sông Bồ yêu thương.

Qua khu phố chợ Bao Vinh một thời vang tiếng, nơi mà từ bao đời nay, cứ mỗi độ xuân về lại trở thành nơi tề tựu tấp nập, đông vui của người dân các xã: Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Phong (Hương Trà); Quảng Thành (Quảng Điền); Phú Mậu (Phú Vang)… chúng tôi đến với thôn Địa Linh (Hương Vinh, Hương Trà), vùng đất nổi tiếng bởi là địa linh nhân kiệt.

Đặt chân lên vùng đất một thời được gọi bằng cái tên yêu mến là làng chạm cẩn. Khắp làng, bản hợp xướng chạm gõ “lách cách” mộc mạc của những đường kỷ hà đang nảy nở dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vang lên. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân vô danh, những bức tượng gỗ trở nên sống động, có hồn.

Không chỉ có nghề chạm cẩn mà còn có một nghề truyền thống khác, đó là nghề làm bài tới. Bình thường chỉ một vài nhà làm đi bán ở các chợ lẻ. Nhưng, cứ mỗi độ mùa xuân ngấp nghé đầu ngõ là không ai bảo ai, cả làng lại bày giấy, con dấu, máy in, máy cắt… để làm bài tới, chuẩn bị cho một trò chơi dân gian không thể thiếu trong những ngày xuân.

Qua khỏi thôn Địa Linh là về làng Thủy Tú. Bởi sông Bồ mang nặng yêu thương nên cứ miệt mài bồi đắp phù sa cho những vùng đất mình đi qua như một sự hiến dâng lặng lẽ. Cũng chính nhờ bãi sông ăm ắp phù sa màu mỡ ấy mà làng Thủy Tú trở thành làng gạch ngói, bao năm tô màu đỏ tươi cho vẻ đẹp của phố xá.

Không chỉ là một nghề thuần túy, nghề làm gạch ở Thủy Tú còn được xem là một nghề sống chết của dân làng bởi phần lớn người dân nơi đây đều sống dựa vào nghề, từ những bà mẹ nông dân chân lấm tay bùn đến những đứa trẻ lớn lên trong gia đình nghèo khổ muốn kiếm thêm chút thu nhập để đến trường.

“Ơi o bán cốm hai lu
Có về An Thuận cho tui về cùng”

Men theo câu ca này, chúng tôi lại về làng An Thuận. Chỉ cần nghe câu hát ngọt ngào văng vẳng, cũng đủ để chúng ta cảm nhận được hương vị thanh tao mà đậm đà của đặc sản vùng đất này: cốm dẹp.

Không như cốm làng Vòng (Hà Nội), cốm An Thuận có nét đặc trưng riêng, cũng chế biến công phu, cũng chắt lọc cái hương vị tinh tế của trời đất nội cỏ An Nam, cũng mang cái vị tinh khiết của lúa nếp đang kỳ ngậm sữa, nhưng cốm dẹp An Thuận còn có thêm cái vị gừng cay nồng đặc trưng của xứ Huế, cái thơm bùi của mè, đậu phụng và cả cái tâm thơm thảo người dân vùng chiêm trũng nghèo nàn.

Cũng đã khá lâu rồi, người dân An Thuận không còn sống nhờ vào cái nghề làm cốm dẹp. Thế nhưng, nghề làm cốm không vì thế mà dần mai một. Với các o, các mệ ở vùng đất này, đã là con gái An Thuận là phải biết làm cốm.

Cứ mỗi độ xuân về, nhà nhà lại bắt đầu chuẩn bị cho một khuôn cốm mới ra lò. Trong cái se se lạnh của những ngày đầu xuân, trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt đầu năm, không có gì thú vị bằng vừa tâm sự vừa uống một ly trà thật thơm, thật nóng và thưởng thức cái vị tinh khiết, nồng ấm của những miếng cốm giòn tan.


Làng Bao La Ngoài tức là thôn Thủy Lập hay còn gọi là làng thúng mủng. Làng có 380 hộ, và hiện cả làng vẫn gìn giữ nghề đan lát truyền thống.

Hơn trăm năm trước, một số bà con trong làng Bao La gồng gánh gia đình theo đuôi con cá ra ngụ ven phá Tam Giang và dừng chân trên thôn Thủy Lập này. Bà con sống trên đất mới tuy vẫn cày cấy trên đất cát bạch sa, nhưng thêm nghề đánh cá, tôm, cua trong đầm phá và lưu giữ nghề đan lát mây tre truyền thống. Mới đầu, họ vẫn đan giần, sàng, rổ, rá như trong làng cũ, sau vì nhu cầu sinh sống ven đầm phá, bà con chuyển sang đan thúng, mủng.

Muốn đan được một cái thúng không phải là đơn giản, người dân phải lặn lội qua Phò Trạch, An Lỗ mua lồ ô. Cưa lấy đoạn gộc vót vành tròn lót trong, vót vành ngoài lép, đoạn giữa chẻ nan vót láng đan mên, khúc đọt chẻ mảnh hơn, nhỏ hơn để đát thành miệng thúng. Lận vành phải người lớn quen tay mới làm được. Nức vành thúng phải nức lật đôi, thúng nhỏ nức dày 90 nức lật, thúng lớn thì nức trăm hai, trăm ba nức lật, cái thúng mới chắc nụi.

Người làng Bao La xưa có truyền thống gả con gái cho các chàng lực điền trong thôn vì không muốn nghề đan lát mây tre bị thất truyền. Ngoài ra, những chàng rể được chọn khi quăng mạnh thúng phải bung vành ra. Với hành động đó, các cụ muốn đánh giá tài đan lát của các chàng rể ở độ khít khao, chắc bền của tấm mên.

Còn rất nhiều làng nghề bên phá Tam Giang mà mỗi làng đều có một nét đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu nên du khách khi một lần ghé qua đều nhớ mãi...